“Bóc tách” hiện tượng rút ròng của quỹ trái phiếu

“Bóc tách” hiện tượng rút ròng của quỹ trái phiếu

Trái phiếu nói chung và Quỹ trái phiếu là lựa chọn hấp dẫn của các Nhà đầu tư trên thế giới. Tại Việt Nam, mặc dù quỹ trái phiếu sở hữu nhiều tiềm năng phát triển nhưng đây vẫn là kênh đầu tư mới mẻ khiến nhiều người chưa thật sự hiểu rõ bản chất của hình thức đầu tư này. Thời gian gần đây thị trường ghi nhận hiện tượng rút ròng khiến quỹ trái phiếu chịu nhiều biến động mạnh.

Để giúp Nhà đầu tư hiểu rõ hiện tượng này, chúng tôi xin được “bóc tách” một vài vấn đề trong bài viết sau đây.

Các quỹ trái phiếu biến động mạnh

Theo thống kê được thực hiện bởi 1 Công ty Quản lý Quỹ uy tín tại Việt Nam, các quỹ trái phiếu trên thế giới và Việt Nam đều đang ghi nhận hiện tượng rút ròng mạnh mẽ. Trong đó, tính từ tháng 9/2022 đến 14/11/2022 các quỹ trái phiếu Việt nam đã bị rút ròng gần 10.000 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ rút ròng lên tới 34,6%.

Lý giải nguyên nhân của hiện tượng rút ròng khỏi quỹ trái phiếu ở Việt Nam, có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân sau đây:

  • Mất niềm tin: Những vụ việc liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ ở một số các doanh nghiệp, điển hình như Tân Hoàng Minh và công ty An Đông (nhóm Vạn Thịnh Phát) với hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu lưu hành trên thị trường khiến cho người dân bị mất niềm tin.

  • Hiệu ứng đám đông: Hiệu ứng tâm lý ảnh hưởng đến những Nhà đầu tư mới, trong đó nhiều nhà đầu tư chưa thực sự hiểu rõ bản chất quỹ trái phiếu cũng như danh mục chi tiết mà Quỹ đang đầu tư. Một bộ phận những nhà đầu tư khác hiểu rõ vấn đề nhưng vẫn bị hiệu ứng đám đông tác động.

  • Quản lý phát hành trái phiếu gặp nhiều khó khăn: Giai đoạn 2020-2021, việc phát hành trái phiếu ồ ạt trong giai đoạn này đã và đang khiến cho nhiều doanh nghiệp đang phải đứng trước áp lực đáo hạn.

  • Áp lực lãi suất: Lãi suất thế giới và trong nước liên tục gia tăng, nhiều nhà đầu tư rút tiền để tìm kiếm những kênh đầu tư lợi nhuận hấp dẫn (ở thời điểm hiện tại) như kênh gửi tiết kiệm.

Trước khi quyết định đầu tư vào quỹ trái phiếu, nhà đầu tư cần phải hiểu rõ bản chất của quỹ trái phiếu. Đây là hình thức huy động vốn từ nhà đầu tư thông qua mua chứng chỉ quỹ, các chuyên gia quỹ sẽ thay nhà đầu tư phân bổ các tài sản đầu tư trên thị trường để mang về một khoản lãi suất cố định cho nhà đầu tư. Do đó, mỗi tài sản của NĐT là cấu phần quan trọng để tạo nên sự lớn mạnh và vững chắc cho các Quỹ trái phiếu.

Đầu tư vào quỹ trái phiếu trước nay vẫn được xem là hình thức đầu tư an toàn và ít rủi ro. Tuy nhiên, biến động vẫn có thể xảy ra khi xuất hiện các trường hợp sau:

1) Tài sản của quỹ gặp vấn đề: Điều này có thể bắt nguồn từ lý do đầu tư vào những trái phiếu không an toàn, dẫn đến nợ xấu khiến cho giá NAV giảm và giá chứng chỉ quỹ cũng giảm theo.

2) Nhà đầu tư rút ròng trong thời gian ngắn: Tất cả các Qũy đều có một lượng dự trữ tiền mặt để đảm bảo thanh khoản cho Nhà đầu tư, nhưng nếu nhà đầu tư rút ồ ạt thì Quỹ sẽ phải bán bớt trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi với giá thấp. Điều này cũng khiến cho giá NAV giảm và giá chứng chỉ quỹ giảm.

3) Ban quản lý Quỹ hoạt động không hiệu quả: Vấn đề này lại xuất phát từ năng lực của ban quản lý Quỹ khiến Quỹ hoạt động không đạt được hiệu suất sinh lời như kỳ vọng.

Rút ròng gây nên tác động ngược

Sự biến động của Quỹ trái phiếu ở Việt Nam trong thời điểm này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân (như phân tích ở trên), nhưng có lẽ phần lớn lại xuất phát từ hiện tượng rút ròng của Nhà đầu tư.

Thực tế hiện nay, nhiều nhà đầu tư thường chỉ nhìn nhận rủi ro đến từ Ban quản lý Quỹ hoặc rủi ro đến từ vốn mà quên mất rằng, rủi ro có thể đến từ chính bản thân Nhà đầu tư. Nếu tất cả Nhà đầu tư cùng rút đồng loạt, dù Quỹ đang hoạt động tốt, tài sản tăng trưởng ổn đinh, thì quỹ vẫn gặp gánh nặng về thanh khoản và áp lực mua lại chứng chỉ quỹ từ nhà đầu tư ở quy mô lớn một cách bất thường. Điều này buộc các quỹ trái phiếu phải bán trái phiếu ra thị trường kể cả với giá chiết khấu nhằm huy động tiền nhanh nhất có thể. 

Trước tâm lý bán tháo của Nhà đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ có thể tạm thời hạn chế mua lại chứng chỉ quỹ nhằm ngăn chặn dòng tiền chảy ra. Điều này sẽ làm giảm bớt tình trạng căng thẳng thanh khoản cho Quỹ và bảo vệ tối đa lợi ích của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư dài hạn.

Việc rút ròng ồ ạt sẽ tác động ngược đến giá trị tài sản theo thị trường của các quỹ trái phiếu đang nắm giữ, bao gồm trong đó là nhiều trái phiếu doanh nghiệp có tình hình hoạt động kinh doanh tốt và có dòng tiền thu nhập ổn định. Hệ quả là giá NAV/CCQ của các quỹ trái phiếu trực tiếp bị ảnh hưởng và sụt giảm. Như vậy, rõ ràng nhà đầu tư đang tự đe dọa đến tài sản của mình.

Với bối cảnh khó khăn chung trên thị trường hiện tại cũng như sự quan ngại của các nhà đầu tư về tình hình thanh khoản của quỹ nói chung, đặc biệt là với quỹ trái phiếu, các Công ty Quản lý Quỹ vẫn đang nỗ lực để hoạt động giao dịch của các Quỹ được hoạt động ổn định.

Việc các Nhà đầu tư hoang mang và lo lắng về tài sản của mình trong bối cảnh biến động như hiện tại là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các Nhà đầu tư nên nhận diện rõ bản chất vấn đề và hiểu rõ sản phẩm đầu tư mà mình lựa chọn để tránh đưa ra các quyết định sai lầm, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của bản thân và những nhà đầu tư khác. 

Xem thêm: