fmarket communityfmarket community

Các Quỹ đánh giá như nào về chứng khoán Việt năm 2023?

20/12/2022Lượt xem 59 Views
Chia sẻfacebooklinkedin
https://files.fmarket.vn/pro/blog/2022/12/Cac-Quy-danh-gia-nhu-nao-ve-chung-khoan-Viet-nam-2023.webp

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc, CTQL Quỹ Vietcombank (VCBF) cho biết, hiện các quỹ nước ngoài đang đánh giá Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển trong dài hạn.

Bà đánh giá như nào về thị trường cổ phiếu trong một năm qua cũng như hoạt động chung của các quỹ trên thị trường này?

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó Tổng giám đốc, CTQL Quỹ Vietcombank (VCBF): Có thể nói 2022 là một trong những năm có mức biến động mạnh nhất trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau khi tăng trưởng khá ổn định trong quý I, thị trường đã giảm rất sâu trong quý II và quý III, và hiện giảm khoảng 30,5% từ đầu năm. Năm 2022 là năm có mức giảm lớn thứ hai trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau năm 2008 - với mức giảm khoảng gần 67%. Tuy nhiên, hầu hết các quỹ lại có mức giảm thấp hơn so với chỉ số VN-Index, cho thấy việc đầu tư vào quỹ bớt rủi ro hơn nhờ nắm giữ danh mục đầu tư đa dạng và chọn lọc kỹ lưỡng.

Giai đoạn vừa qua các quỹ trái phiếu cũng bị ảnh hưởng, bà đánh giá như thế nào về điều này?

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga: Việc nhiều lãnh đạo cấp cao tại các doanh nghiệp lớn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát bị khởi tố do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp đã làm mất niềm tin của các nhà đầu tư tham gia thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. Dẫn đến các quỹ trái phiếu đã phải bán chính những trái phiếu mà mình nắm giữ đi với mức giá thấp để trả lại tiền cho nhà đầu tư, gây khó khăn cho các cái quỹ trái phiếu trong thời gian vừa qua.  Dù vậy, chúng tôi cũng làm rất nhiều các hoạt động tuyên truyền, giải thích cho nhà đầu tư hiểu hơn về các phương pháp quản lý tài sản cá nhân, lợi ích của đầu tư dài hạn. Chính vì thế, trong thời gian thị trường giảm, nhà đầu tư bán đi rất ít. Về dài hạn, Nghị định 65 vẫn cần thiết để khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào những trái phiếu phát hành ra công chúng, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp phát hành ra công chúng và niêm yết trái phiếu thay vì phát hành riêng lẻ bởi vì điều đó sẽ giúp tăng tính minh bạch thông tin hơn.

Biện pháp của các quỹ để vượt qua "sóng gió" trong thời gian qua?

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga: Trong bất kỳ điều kiện nào, chúng tôi đều đầu tư dựa trên bốn triết lý. Thứ nhất là lựa chọn cổ phiếu dựa trên phân tích và định giá từng cổ phiếu. Hai là đầu tư dài hạn, xác định định giá của công ty ít nhất trong vòng từ 3 đến 5 năm tới. Ba là đi trước thị trường và đi ngược đám đông. Và một điểm cũng rất quan trọng là duy trì một danh mục đa dạng. Đặc điểm chung của tất cả các quỹ sẽ thường nắm giữ khoảng 20, 30 cổ phiếu, thậm chí nhiều hơn nhằm giảm thiểu được rủi ro.

Sau một thời gian dài bán ròng thì trong 3 tháng cuối năm, các quỹ, đặc biệt là quỹ ngoại đã quay đầu liên tục mua vào trên thị trường Việt Nam, bà đánh giá như thế nào về điều này?

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga: Năm 2020 -2021 và cho đến tận đầu năm 2022, nước ngoài vẫn bán ròng ở thị trường Việt Nam do lo lắng về dịch covid và định giá không còn hấp dẫn sau thời gian dài tăng nóng. Dù vậy, sau khi thị trường giảm rất mạnh thì nhà đầu tư ngoại lại liên tục mua ròng suốt từ tháng 10 đến nay, một phần là định giá thấp và họ rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Theo một thống kê của giám đốc điều hành dịch vụ tài chính của J.P.Morgan ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, nếu Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thì có khoảng 5 tỷ USD ở các quỹ ETF sẽ đổ vào Việt Nam. Chính vì vậy, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, họ nhìn nhận bây giờ là cơ hội rất tốt để đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Ở góc nhìn của quỹ thì thị trường chứng khoán năm 2023 sẽ như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga: VCBF cũng đồng quan điểm với các nhà đầu tư nước ngoài là triển vọng kinh tế Việt Nam về mặt dài hạn rất sáng. Còn nói riêng về năm 2023 thì sẽ có một số yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế mà chúng ta cần phải theo dõi như chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ; Chính sách Zero-Covid của Trung Quốc; Chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Bên cạnh đó, kinh tế của chúng ta có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu giảm ở các nước, do kinh tế Trung Quốc và kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại.  Còn về thị trường chứng khoán thì khá khó để dự đoán. Nhưng điểm rất tích cực là định giá thị trường bây giờ vẫn còn thấp, mức định giá vẫn đang ở vùng thấp nhất trong lịch sử và lợi nhuận doanh nghiệp được dự báo sẽ tăng trưởng. Do vậy, nhà đầu tư cần có những kế hoạch tài chính rõ ràng, không cố gắng dự đoán thị trường tăng hay giảm, đồng thời nên kỷ luật và kiên trì.

Theo Nhà Đầu tư


icon-message