fmarket communityfmarket community

Dạy con cách dùng tiền lì xì sao cho ý nghĩa

02/02/2023Lượt xem 34 Views
Chia sẻfacebooklinkedin
https://files.fmarket.vn/pro/blog/resize/Screenshot-2023-02-02-164545_main.png
Nội dung bài viếtmuc luc
1.

Giai đoạn trước 3-5 tuổi

2.

Giai đoạn sau 5 tuổi

3.

Giai đoạn con sau 13 tuổi

4.

Giai đoạn con sau 18 tuổi

Trong mỗi dịp Tết Nguyên đán, phong tục lì xì trở thành một nét đẹp văn hóa thể hiện sự cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho năm mới. Nhưng nếu con còn quá nhỏ, làm sao để con hiểu được giá trị đồng tiền và dùng tiền lì xì để mang lại ý nghĩa là nhiệm vụ mà các bậc ba mẹ nên lưu tâm trong việc giáo dục con trẻ.

Giai đoạn trước 3-5 tuổi

Giai đoạn từ trước 3 -5 tuổi là giai đoạn trẻ còn quá nhỏ. Các con trong độ tuổi này đôi khi không hứng thú với việc được nhận tiền lì xì bằng những món đồ chơi khác.

Lúc này, ba mẹ sẽ thay con nắm giữ và quản lý tiền lì xì bằng cách bỏ ống heo, gửi vào quỹ tiết kiệm riêng cho con hoặc ủy thác vào các quỹ mở…. Đây là hình thức tích lũy mà phụ huynh có thể bắt đầu từ những đồng tiền nhỏ nhất, có thể từ vài trăm ngàn đến vài triệu mà không cần phải mất thời gian theo dõi.

Số tiền con được lì xì bao nhiêu không quan trọng, giá trị của tiền lì xì nằm ở ý nghĩa mà người tặng gửi gắm vào đấy. Vì vậy, dù ít hay nhiều thì bạn cũng chắt chiu nó như món quà tinh thần mà con trẻ nhận được vào mỗi dịp đầu xuân năm mới.

Giai đoạn sau 5 tuổi

Ở giai đoạn này, trẻ đã bắt đầu biết háo hức khi được nhận tiền lì xì. Tuy nhiên, bạn phải giáo dục con hiểu rằng lì xì là những đồng tiền mà các cô chú phải rất vất vả lao động mới có được. Vì vậy, không quan trọng mệnh giá bao nhiêu, con cũng phải luôn trân quý từng đồng tiền được tặng.

Ngay cả khi không được lì xì, con vẫn nên vui vẻ vì đó là món quà năm mới chứ không phải là một nghi thức để trông đợi. Đồng thời, ba mẹ hãy dạy trẻ không được bóc bao lì xì trước mặt bất cứ ai và bày tỏ thái độ với nó.

dùng tiền lì xì
Lì xì thể hiện sự cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho năm mới.

Vậy tiền lì xì trong giai đoạn này nên được dùng như thế nào?

Trẻ giai đoạn này vẫn còn nhỏ, phụ huynh tiếp tục là người hoạch định số tiền lì xì của con. Tuy nhiên thay vì tự nắm giữ và phân chia như giai đoạn 1, bạn hãy cho con biết bạn sẽ làm gì với số tiền đó.

Cụ thể bạn có thể áp dụng như sau:

  • Trích 70% vào quỹ đầu tư

 Thay vì dùng hết vào một kênh, bạn có thể phân bổ vào nhiều hình thức khác nhau để hạn chế rủi ro: trích 1 phần vào quỹ tiết kiệm, một phần mua vàng dự trữ, 1 phần để mua chứng chỉ quỹ…

Có thể bé không hiểu chi tiết về khái niệm "quỹ đầu tư" mà bạn nói, nhưng hãy cho con biết rằng - ba mẹ sẽ trích 70% này vào chỗ nào đó và luôn giữ nó cho con sau này. Khi con đủ lớn và trưởng thành, nó sẽ vẫn là của con. Với việc giải thích này, bé sẽ cảm thấy an tâm vì tin tường rằng ba mẹ đang giữ hộ chứ không hề dùng mất số tiền của bé.

  • 20% vào quỹ phát triển bản thân

Bạn có thể hỏi con về 1 vài việc con muốn làm. Chẳng hạn nếu con muốn học vẽ, bạn hãy chỉ con dùng 20% này vào việc mua giấy, bút vẽ, màu nước… Nếu con muốn học nhảy, bạn có thể chỉ con cách dùng nó vào việc đăng ký một lớp dạy vũ đạo.

Nếu là những điều con thật sự thích và được đáp ứng, con sẽ cảm thấy rất vui và hứng thú với việc đó. Điều này vừa giúp trẻ phát triển bản thân vừa giúp con hiểu rằng: thay vì mua đồ chơi, bánh kẹo con có thể dùng nó để phát triển kỹ năng, kiến thức và đam mê của mình. Lớn lên, thói quen này sẽ giúp con chú trọng ưu tiên phân bổ tài chính vào việc phát triển bản thân thay vì hoang phí vào những điều không cần thiết.

  •  10% vào quỹ cho đi

 Giáo dục con trẻ về tình thương luôn là điều cần thiết nhất mà bất kỳ bố mẹ nào cũng cần phải làm. Bạn sẽ hướng dẫn con cách dùng 10% tiền lì xì của mình để làm các việc tốt. Gia đình bạn có thể cùng mua quà đến thăm các bé mồ côi hay cùng con mua những ổ bánh mì tặng người vô gia cư chẳng hạn…

 Mặc dù chỉ cho đi một phần nhỏ nhưng hoạt động này có ý nghĩa rất lớn trong quá trình phát triển nhận thức và nhân cách của trẻ.

Giai đoạn con sau 13 tuổi

Giai đoạn này con đã hiểu được giá trị của đồng tiền, bạn nên hướng dẫn để con có trách nhiệm hơn trong quản lý chi tiêu, tài chính. Có thể vẫn công thức phân bổ tiền như trên, tuy nhiên giai đoạn này bé sẽ là người tự lập kế hoạch của mình. Ba mẹ chỉ nên đóng vai trò theo dõi, cố vấn con.

Bạn có thể gợi mở con trải nghiệm thêm 1 số hình thức đầu tư khác. Chẳng hạn vẫn 70% quỹ đầu tư trên nhưng con có thể phân bổ thêm vào kinh doanh, bởi thực tế có rất nhiều bé sở hữu năng khiếu kinh doanh từ rất sớm. Hoặc vẫn với hình thức đầu tư chứng chỉ quỹ, bạn hãy chỉ con việc cân nhắc giữa đầu tư vào quỹ cổ phiếu hay đầu tư vào quỹ trái phiếu …. và để con được phép đưa ra lựa chọn của mình.

Với 10% quỹ cho đi, bạn có thể hỏi con muốn dùng quỹ này vào việc từ thiện nào và đồng hành cùng con để thực hiện điều đó.

Như vậy, với cách giáo dục này, con sẽ cảm thấy được tôn trọng.

Giai đoạn con sau 18 tuổi

Ở giai đoạn này, con đã đủ lớn. Bạn nên để con toàn quyền quyết định số tiền của mình. Bé có thể tiếp tục thực hiện công thức cũ, có thể điều chỉnh lại công thức mới hoặc con cũng có thể rút ra để thực hiện các mục tiêu khác như học đại học, du học, mua xe,…. Bạn chỉ nên là người đưa ra lời khuyên cho mỗi quyết định của con thay vì cố thủ nó.

Nếu các bậc ba mẹ có thể tuân thủ việc giáo dục trẻ về tiền lì xì từ bé cho đến lúc con 18 tuổi, bạn sẽ đạt được hai giá trị lớn. Thứ nhất, số tiền tích lũy nhiều năm sẽ là nguồn vốn cho con sau này thực hiện những dự định và ước mơ riêng. Giá trị thứ hai là giúp con trẻ phát triển tốt tư duy về tài chính, biết cách quản lý chi tiêu, trân quý đồng tiền.

Tuy nhiên, để giúp con trẻ nhận thức được những điều trên đòi hỏi một quá trình dài với nhiều khoản tài chính khác nhau chứ không chỉ riêng với tiền lì xì. Đồng thời, các bậc ba mẹ hãy hành xử một cách khéo léo, hợp lý để con trẻ có thể tin tưởng và cảm thấy được tôn trọng.

 Xem thêm:

 

 


icon-message