4 cách lập mục tiêu tài chính cho năm mới 2023

ke hoach tai chinh

Vào những thời điểm sắp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mọi người thường có thói quen ngồi lại tổng kết những gì đã làm được và chưa làm được trong năm cũ, đồng thời vạch ra mục tiêu, kế hoạch cho năm mới. Bên cạnh những kế hoạch liên quan đến sự nghiệp, đời sống thì tài chính cũng là một khía cạnh quan trọng cần được lập kế hoạch tỉ mỉ và nghiêm túc. Dưới đây là gợi ý 5 cách lập mục tiêu tài chính cá nhân cho năm 2023, các bạn có thể tham khảo.

Thống kê tài chính năm cũ

Trước khi lập bản kế hoạch mới, bạn cần đánh giá lại thu nhập và chi tiêu của mình tối thiểu trong 1 năm vừa qua. Cụ thể, bạn hãy liệt kê tất cả các hạng mục liên quan đến tài chính của bạn, bao gồm thu nhập: lương, thưởng, các thu nhập bên ngoài khác; tài sản nợ: bao gồm nợ Ngân hàng, nợ tín dụng, trả góp… và các khoản chi tiêu. Điều này sẽ giúp bạn trả lời cho câu hỏi: hiện trạng tài chính của bạn như thế nào và có gì bất ổn hay không?

Trong hạng mục chi tiêu, bạn có thể phân loại thành hai nhóm: chi tiêu thiết yếu là những khoản chi tiêu bắt buộc, không thể hoặc khó thay đổi và nhóm chi tiêu thứ yếu là các khoản có thể điều chỉnh được như ăn uống, mua sắm, du lịch – giải trí…

 Trường hợp năm qua thu nhập của bạn vẫn ổn nhưng cuối năm vẫn không đạt mục tiêu tích lũy, vậy bạn hãy xem lại cách thức chi tiêu của bản thân?

 Nếu thu nhập chưa thật sự hấp dẫn, vậy bạn hãy tìm giải pháp để gia tăng thu nhập trong năm mới?

 Nếu bạn đang có những khoản nợ, hãy ưu tiên trả nợ với lãi suất thấp, chẳng hạn như thẻ tín dụng. Trong trường hợp khoản nợ vẫn còn khá cao, bạn có thể cân nhắc tìm thêm một vài công việc gia tăng thu nhập để trả nợ. Việc thoát khỏi nợ nần và gánh nặng lãi suất sẽ giúp bạn tự do hơn trong việc sử dụng đồng tiền vào những việc khác.

Như vậy, việc thống kê tài chính đóng vai trò rất quan trọng trước khi bạn hoạch định mục tiêu trong năm tiếp theo.

Đặt mục tiêu tài chính trong năm mới

muc tieu tai chinh

Mục tiêu tài chính cho năm 2023 là mục tiêu ngắn hạn trong chuỗi mục tiêu dài hạn của bạn. Do vậy, mục tiêu 2023 luôn phải được bám sát với mục tiêu tổng thể.

Chẳng hạn, mục tiêu lên kế hoạch mua xe vào năm 2023 được xem là một mục tiêu ngắn hạn. Nhưng nếu bạn đặt mục tiêu năm 2023 là đầu tư 5 triệu/tháng vào chứng chỉ quỹ để theo đuổi mục tiêu tự do tài chính thì đây lại là mục tiêu dài hạn. Do vậy, bạn phải luôn đặt câu hỏi “việc mua xe liệu có ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư chứng chỉ quỹ hay không? Nếu có thì giải pháp là gì?…”

Tuy nhiên, để một kế hoạch tài chính đạt hiệu quả đòi hỏi nó phải khả thi, phù hợp với khả năng thực tiễn. Ngoài ra, mục tiêu cũng phải luôn phù hợp với bối cảnh vĩ mô. Chẳng hạn, nếu mục tiêu của bạn là tích lũy được 200 triệu/năm. Nhưng bức tranh kinh tế năm đó khó khăn, bối cảnh lạm phát phức tạp dẫn đến hoạt động kinh doanh của bạn bị trì trệ, vậy bạn có thể cân nhắc điều chỉnh lại mục tiêu của mình sao cho phù hợp với bối cảnh mới.

Ngoài ra, mục tiêu của mỗi người cũng khác nhau theo từng giai đoạn cụ thể trong cuộc đời. Chẳng hạn, một số người đặt mục tiêu trước năm 30 tuổi sẽ tập trung vào tích lũy với tỉ lệ 15-20% thu nhập hàng năm và dành mọi mục tiêu vào xây dựng tầng đáy của tháp tài sản. Khoản tài chính còn lại họ đầu tư vào việc học tập và phát triển bản thân. 

Sau năm 30 tuổi, họ dành mọi nỗ lực để thực hiện mục tiêu gia tăng tài sản tích lũy thông qua tiết kiệm và đầu tư. Như vậy, dù mục tiêu là gì thì mỗi chúng ta phải luôn kiên định nhưng tuyệt đối không cứng nhắc. Việc bạn cần làm là hãy điều chỉnh mục tiêu ngắn hạn của mình một cách liên tục sao cho mọi sự điều chỉnh đều hướng tới việc thực hiện mục tiêu dài hạn.

Ngoài ra, bạn đừng quên lập quỹ khẩn cấp. Phần tiền này sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề cấp bách như đau ốm, bệnh tật hay trường hợp chẳng may bạn thất nghiệp…

Chi tiêu tiết kiệm và phù hợp

Tiết kiệm không đồng nghĩa với tằn tiện. Nếu tằn tiện là chi tiêu dè sẻn và hạn chế tối đa việc phải chi tiền, dẫn đến lối sống kham khổ thì tiết kiệm là khi bạn biết sử dụng đồng tiền một cách thông thái. 

Bạn sẽ không tiêu tiền vào những khoản không thật sự cần thiết, thay vào đó bạn sẽ ưu tiên những việc quan trọng. Số tiền còn lại bạn sẽ trích vào khoản tích lũy và đầu tư.

Tuy nhiên, có một thực trạng phổ biến ở giới trẻ hiện nay đó là “lạm phát lối sống”. Đây là cụm từ quen thuộc để nói về tình trạng chi tiêu thiếu kiểm soát khi thu nhập tăng lên. Nghĩa là thay vì tiết kiệm nhiều hơn thì nhiều người lại có xu hướng chi nhiều hơn khi thu nhập tăng lên. 

Theo các chuyên gia tài chính, chúng ta cần trích ít nhất 10% thu nhập mỗi tháng để tiết kiệm và đầu tư. Việc này càng được bắt đầu sớm, bạn sẽ có nhiều thời gian để hình thành được kỷ luật vững vàng trong quản lý chi tiêu.

Đầu tư sớm

Thực tế thì tiết kiệm chỉ là 1 phần trong kế hoạch của bạn, bởi bạn sẽ chẳng thể nào đạt được mục tiêu tài chính nếu chỉ tập trung vào tiết kiệm. Vì vậy trong năm 2023, mục tiêu mà bạn không được phép bỏ qua đó là mục tiêu đầu tư.

Bạn có thể nghiên cứu các kênh đầu tư phù hợp với khả năng tài chính, mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân.

 Chẳng hạn, cổ phiếu được xem là một hình thức đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhưng cũng đi kèm với rủi ro cao.

Còn trái phiếu là hình thức đầu tư an toàn hơn, mặc dù lợi nhuận không hấp dẫn như cổ phiếu nhưng cao hơn so với lãi suất Ngân hàng.

Nếu chưa thật sự có nhiều kiến thức, thời gian lẫn kinh nghiệm, bạn có thể cân nhắc việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ.

Quan trọng nhất trong đầu tư tài chính là bạn đừng “bỏ trứng vào một giỏ”. Thay vì đánh cược toàn bộ tiền vào một giỏ thì bạn hãy đa dạng hóa các kênh đầu tư. Nhờ đó, chúng ta có thể tối ưu lợi nhuận và dàn trải rủi ro khi thị trường đến kỳ điều chỉnh hay biến động.

Năm 2023 mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của những biến động trước đó. Tuy nhiên, đây vẫn sẽ là một năm được dự đoán có nhiều tín hiệu tích cực. 

Những điểm sáng về kinh tế và bối cảnh chính trị ở trong nước cho phép chúng ta kỳ vọng nhiều hơn vào những tín hiệu khả quan của thị trường đầu tư. 

Do vậy, dù bạn có thể có nhiều mục tiêu khác nhau trong năm mới, nhưng hãy ưu tiên vạch ra một kế hoạch chi tiết nhất cho mục tiêu tài chính của mình, bạn nhé.

Xem thêm: