fmarket communityfmarket community

Làm thế nào để duy trì thói quen tiết kiệm?

29/12/2022Lượt xem 101 Views
Chia sẻfacebooklinkedin
https://files.fmarket.vn/pro/blog/2022/12/tiet-kiem-hieu-qua-2.jpg
Nội dung bài viếtmuc luc
1.

Vấn đề tài chính không chỉ nằm ở những con số

2.

Làm thế nào để tiết kiệm?

  • 2. 1.

    Thiết lập lại chi tiêu

  • 2. 2.

    Thay đổi tâm lý

Có những người thu nhập chỉ ở mức trung bình nhưng họ vẫn sống thoải mái, cũng có những người thu nhập khá nhưng vẫn sống chật vật... Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng đây là một thực trạng phổ biến của rất nhiều bạn trẻ hiện nay.

Vậy lý do gì đã khiến những người có thu nhập đối ngược nhau lại có cuộc sống mất cân đối như vậy. Cùng chúng mình tìm ra lời giải trong bài viết bên dưới này nhé:

Vấn đề tài chính không chỉ nằm ở những con số

Câu chuyện thu nhập cao nhưng không dư, thậm chí phải luôn “co kéo” chi tiêu khi chưa tới kỳ lương tiếp theo đang diễn ra với rất nhiều người.  Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố, một trong số đó bắt nguồn từ khía cạnh tâm lý.

Thứ nhất, tâm lý muốn xài đồ hiệu.

Thực tế rất nhiều người thường lấy giá trị làm thước đo cho mọi chi tiêu, thay vì đánh giá sản phẩm dựa trên giá trị mà chúng mang lại thì chúng ta thường đánh giá dựa trên giá cả. Điều này giống như việc bạn mặc định phải xài hàng nhiều tiền mới là hàng tốt, trong khi hoàn toàn có những sự lựa chọn phù hợp hơn về chất lượng và giá cả nhưng lại bị bỏ qua.

Vì vậy, khi mua sắm, thay vì chỉ chăm chăm vào tiền bạn hãy lựa chọn sản phẩm dựa trên mục đích ban đầu và đánh giá sản phẩm dựa trên giá trị mà chúng mang lại. Bởi thực tế, không phải mọi lựa chọn đắt tiền nào cũng đem lại kết quả tốt nhất.

Thứ hai, tâm lý tiền nhiều tiêu nhiều.

Có bao giờ bạn chất vấn bản thân, tại sao thời điểm thu nhập 5 triệu bạn tiêu hết tiền nhưng khi thu nhập cải thiện lên 20 triệu/tháng bạn vẫn không thể nào dư?

Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả này chính là tâm lý tiền nhiều tiêu nhiều. Hay nói cách khác, đây là hậu quả của lạm phát lối sống hay lạm phát chi tiêu, những thứ trước đây được coi là xa xỉ lại trở thành nhu cầu thiết yếu.

Khi thu nhập tăng lên, việc chi tiền để cải thiện đời sống vật chất tinh thần là một điều nên làm. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng để luôn đảm bảo rằng trong bất cứ trường hợp nào vẫn dành ra một khoản tiết kiệm riêng. Có một lời khuyên mà các chuyên gia đưa ra, nếu phân bổ theo nguyên tắc chi tiêu là 50-30-20. Nghĩa là bạn dành 50% thu nhập cho các khoản thiết yếu và 30% cho chi tiêu cá nhân, nhưng khi bạn không tiêu hết 50% và 30% này, vậy số dư nên dồn vào 20% còn lại vào hạng mục đầu tư. Điều này có nghĩa rằng khoản chi tiêu nên được tối ưu càng ít càng tốt và khoản đầu tư càng tăng lên càng mang lại nhiều giá trị lớn.

Thứ ba, không phân loại chi tiêu theo thứ tự ưu tiên.

Chi tiêu không theo thứ tự ưu tiên nghĩa là bạn tiêu quá nhiều vào những khoản thật sự không cần thiết. Chẳng hạn, thay vì dành 5 triệu tiền nhà để đóng vào cuối tháng nhưng chỉ vài ngày sau khi nhận lương, bạn đã tiêu quá nhiều vào việc mua sắm, xem phim, du lịch… trong khi chi phí đóng tiền nhà đáng lẽ nên được ưu tiên. Tới kỳ đóng tiền, việc lỡ tiêu xài quá mức dẫn đến thâm hụt sẽ khiến bạn ngột ngạt và áp lực. Điều này lý giải cho thực trạng những người có thu nhập không thấp - 20 triệu/tháng vẫn cảm thấy ngột ngạt và luôn trong tình trạng xoay sở tiền để trang trải.

Làm thế nào để tiết kiệm?

Vấn đề tài chính không chỉ là câu chuyện của những con số mà nó còn liên quan đến khía cạnh khác là tâm lý. Do vậy, để thiết lập một kế hoạch duy trì thói quen tiết kiệm hiệu quả, bạn cần phải giải quyết cả ở khía cạnh tiền bạc và khía cạnh về tâm lý.

thoi quen tiet kiem

Thiết lập lại chi tiêu

Việc phân loại chi tiêu đóng vai trò rất quan trọng, điều này giúp bạn tìm ra được vấn đề cần cải thiện trong lối sống chi tiêu của mình. Hãy dành thời gian để đánh giá lại những gì bạn đã chi tiêu trong quá khứ. Mỗi người có thể vạch ra nhiều nhóm chi tiêu khác nhau, nhưng chung quy có thể xếp vào hai nhóm cơ bản là NEED và WANT.

Nhóm NEED là những khoản chi tiêu thiết yếu và bắt buộc như chi phí nhà ở, lương thực, chăm sóc sức khỏe… Đây là nhóm cần được ưu tiên lên đầu và bạn dù muốn chi như thế nào khác cũng phải đảm bảo rằng số tiền trong nhóm NEED không bị thâm hụt.

Nhóm WANT là những khoản phục vụ mục đích cá nhân như vui chơi, giải trí, du lịch… nghĩa là nhóm này có thể có hoặc nếu cắt giảm bớt cũng sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.

Sau khi phân loại các khoản chi vào hai nhóm trên, dưới đây là một số trường hợp có thể xảy ra:

-       Nếu nhóm NEED bội chi thì có thể có 1 số vấn đề như sau: bạn đang thuê một căn nhà quá lớn và nhiều tiền trong khi chỉ ở một mình? Hoặc, bạn đang mua gói bảo hiểm quá cao khiến bạn luôn gặp áp lực trong việc chi trả mỗi tháng?... Rõ ràng đây là những thứ cần, nhưng bạn vẫn buộc phải điều chỉnh bằng cách đưa ra các giải pháp thay thế để phù hợp với điều kiện hiện tại.

-       Nếu nhóm WANT bội chi, vậy có nghĩa bạn đang chi nhiều tiền cho các dịch vụ phục vụ bản thân. Những điều này nếu không mang lại giá trị, bạn nên cắt giảm bớt.

-       Nếu không đánh giá được nhóm nào gặp vấn đề vì bạn cho rằng mọi thứ đều hợp lý, vậy bạn cần đánh giá lại toàn bộ các khoản chi tiêu của mình.

Ở cả 3 trường hợp, bạn sẽ đều cần bước ra khỏi các lựa chọn chi tiêu cũ của mình. Điều bạn cần làm là phải xác lập lại một bản kế hoạch chi tiêu mới và đảm bảo rằng khoản NEED luôn được xếp lên đầu. Số tiền còn lại bạn mới được phép bố trí vào nhóm WANT.

Thay đổi tâm lý

Rất nhiều người xem tiết kiệm là một gánh nặng và áp lực. Tuy nhiên, ít ai chịu nhìn nhận rằng duy trì thói quen tiết kiệm là đang “gom về cho bản thân”, tích lũy để phục vụ bản thân chứ không phải ngoài mục đích nào khác. Việc xem tiết kiệm là áp lực sẽ khiến hành trình thực hiện rất khiên cưỡng, lâu dần dẫn đến chán nản và thất bại.

Thậm chí có những người rất cứng nhắc trong hành trình tiết kiệm. Chẳng hạn, nếu bạn đặt mục tiêu tiết kiệm 1 tỷ trong 5 năm, mỗi năm bạn phải đạt được 200 triệu bằng mọi giá. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế, gia đình và cả nội tại bản thân đôi khi không phải lúc nào cũng thuận lợi để bạn đạt được điều đó. Do vậy, bạn phải luôn trong tâm thế điều chỉnh mục tiêu linh hoạt, phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể, bối cảnh cụ thể để không gây áp lực cho bản thân mỗi khi mục tiêu không đạt được.

Trên đây chỉ là một vài gợi ý để bạn thiết lập thói quen tiết kiệm bền vững. Bạn có thể bắt đầu bằng việc phân loại, đánh giá chi tiêu và thử nghiệm các lựa chọn để tìm ra giải pháp tối ưu chi phí hơn. Cuối cùng, mọi thói quen đều cần thiết lập bền vững và có kỷ luật mới có thể giúp bạn đạt được mục tiêu cuối cùng. Đừng cứng nhắc khi chỉ tập trung vào những con số, sự thay đổi thói quen và tâm lý của bản thân đôi khi là gốc rễ của vấn đề.

 Xem thêm:

 


Phổ biến

icon-message