“Mách” bạn cách chi tiêu Tết 2023 tiết kiệm

chi tieu ngay tet

Tết đến, bên cạnh những niềm vui hồ hởi để chào đón xuân năm mới thì vẫn không ít người lo lắng tiền đâu để “trang trải” vô vàn các khoản cần chi tiêu trong mùa tết.

Trong bài viết này chúng tôi sẽ mách bạn một số cách để lên kế hoạch chi tiêu Tết 2023 thật hiệu quả và tiết kiệm nhất.

44% người dân sẽ mua sắm Tết

Tết Nguyên đán là một lễ hội lớn nhất trong năm, cho nên hầu như người dân Việt Nam ai cũng mong muốn được sắm sửa, trang hàng mọi thứ dịp này một cách khang trang và sung túc nhất.

Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel về nhu cầu mua sắm của người dân Việt Nam vào thời điểm cuối năm, 44% dân người dân khẳng định sẽ mua sắm để chuẩn bị Tết. 

Họ sẵn sàng chi mạnh tay hơn cho các hoạt động mua sắm từ ăn uống, quà biếu, lì xì, đi lại… Có những người sẵn sàng chi hàng chục tới hàng trăm triệu để mua sắm những món đồ, phụ kiện “chơi” tết như mua đào, mua quất và nhiều món đồ khác.

Về nguyên tắc, việc chi tiêu cởi mở hơn cho các sự kiện quan trọng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, mọi người nên chi tiêu đúng mực và hợp lý để tránh tình trạng tiêu xài lãng phí, gây tốn kém.

Bởi thực tế, không phải khoản chi nào cũng cần thiết và rất nhiều người vì trót “vung tay quá trán” dẫn đến tình trạng cháy túi sau tết, thậm chí hoang phí luôn cả những khoản tiết kiệm mà phải mất một năm dành dụm, dè sẻn mới có được.

Kế hoạch chi tiêu Tết

Để có thể kiểm soát chi tiêu ngày Tết hợp lý, mỗi người cần lập kế hoạch cụ thể để kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, tránh hao hụt ngân sách.

Lập danh sách mua sắm

Tổng kết nguồn thu nhập

Bạn cần thống kê hết các nguồn thu nhập của bản thân vào thời điểm trước tết. Nó có thể là tiền lương, tiền thưởng tết, hoa hồng, lợi nhuận từ kinh doanh… Thông thường thời điểm này, người lao động thường có các khoản thưởng tết, lương tháng 13, vì vậy chúng ta nên liệt kê tất cả các nguồn thu để đánh giá được thực trạng tài chính của mình, sau đó bạn mới có thể cân đối chi tiêu hợp lý.

Liệt kê các khoản chi

Liệt kê các khoản chi tiêu dịp Tết bạn cũng cần phân loại hai hạng mục, đó là khoản chi tiêu thiết yếu tức là những thứ mà ngay cả ngày thường chúng ta cũng phải chi như tiền nhà, tiền điện, tiền nước, phí mạng,….

 Và khoản còn lại là các khoản dự kiến chi bao gồm những thứ mà chúng ta dự kiến sẽ chi trong dịp tết này như tiền mua sắm, ăn uống, lì xì, quà tặng..

Cân đối thu-chi

Sau khi liệt kê hết các khoản thu và khoản chi, bạn hãy so sánh xem chúng có thực sự cân đối.

Trong trường hợp các khoản chi tiêu tết quá cao, bạn cần phải cố gắng rà soát và tối ưu lại những khoản cần chi để chúng về mức thấp nhất, hoặc tìm cách để gia tăng nguồn thu từ một số công việc kinh doanh hay việc làm thời vụ dịp tết để có thêm tiền trang trải.

 Trong trường hợp khoản thu còn khá nhiều, bạn có thể cho phép bản thân thoải mái hơn trong chi tiêu. Tuy nhiên, lời khuyên mà các chuyên gia đưa ra là ngay khi bạn có số tài khoản dư và không cần thiết dùng đến, bạn hãy dành số tiền đó để trích vào hoạt động tích lũy và đầu tư thay vì để trực tiếp nắm giữ. Bởi việc trực tiếp giữ tiền có thể khiến bạn khó kiểm soát bản thân dẫn đến “lạm phát chi tiêu”.

chi tieu ngay tet
Lên kế hoạch tài chính chi tiết sẽ giúp bạn kiểm soát chi tiêu hợp lý trong tết này.

Tối ưu các khoản thu chi

Thời điểm tết đến là lúc mà các nhãn hàng ra sức thực hiện chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu người mua. Tuy nhiên cũng vì vậy, nhiều người bị cuốn theo cám dỗ mua sắm mà quên cân nhắc rằng sản phẩm đó có thật sự cần thiết trong dịp tết này hay không.

Do vậy, thay vì mua sắm một cách hứng thú và cảm tính, bạn nên cân nhắc kỹ các công năng và lợi ích, thậm chí mức giá của sản phẩm để lựa chọn những thứ thật sự phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc mua sắm bằng việc xem xét có thể thay thế hoặc tái sử dụng từ một món đồ khác có sẵn ở nhà hay không. 

Chẳng hạn như bạn định mua một cây quất để chưng tết trong khi cây lộc vừng trước cửa nhà cũng rất đẹp, nếu trang trí và treo đèn nháy thì nó cũng mang lại màu sắc rộn ràng, tươi mới như cây quất vậy.

Hay đơn giản, bạn dự định mua một vài bình để chưng hoa, trong khi chúng ta vẫn có thể tận dụng một số chai lọ có kết cấu lạ mắt để cắm hoa thay vì mua bình mới…

Những khoản chi tưởng chừng rất nhỏ này nhưng nếu chúng ta tối ưu được,  chúng sẽ tạo nên một ngân sách hấp dẫn để sử dụng vào những mục đích khác hiệu quả hơn.

Hết Tết thì làm gì?

Sau khi trải qua mùa Tết, nếu trước đó chúng ta có kế hoạch chi tiêu hợp lý và có một nguồn dư kha khá vậy việc tiếp theo chính là phải bắt đầu tìm cơ hội để gia tăng tài sản.

Bước sang năm mới, hầu hết mỗi người đều đã có mục tiêu cho mình, đó có thể là các món đồ muốn mua, các khoản tài chính phải đạt được… Do vậy, các hình thức đầu tư phổ biến trong năm mới thường được nhiều người lựa chọn, có thể kể đến như mua vàng, gửi tiết kiệm, mua chứng chỉ quỹ… 

Bởi những khoản đầu tư này đều có khả năng sinh lời và có thể là bước đệm bền vững trong hành trình để bạn đạt mục tiêu tài chính. 

Chẳng hạn, bạn cũng có thể trích khoản lì xì của con mình để đầu tư vào chứng chỉ quỹ mở như một cách tạo tài khoản tích lũy cho con:

Gỉa sử con bạn năm nay 5 tuổi và tết này con được lì xì 5.000.000 đồng. Nếu bạn trích 5 triệu này vào đầu tư chứng chỉ quỹ với mức lãi suất kỳ vọng 13%/năm. Tới năm con bạn 25 tuổi, tức bạn có 20 năm đầu tư chứng chỉ quỹ. Số tiền ít ỏi 5 triệu ban đầu sẽ tăng lên 57,615,439 nhờ tác dụng “thần kỳ” của lãi suất kép.

Có thể ít ai nghĩ rằng 5 triệu ban đầu lại có khả năng sinh lời như vậy. Thậm chí nếu cứ đều đặn trích tiền lì xì hằng năm của con vào hình thức đầu tư này, thì số tiền nhận được sau 20 năm còn lớn hơn rất nhiều. Số tiền có thể sẽ là nguồn vốn cho con bạn kinh doanh hoặc đầu tư vào học tập….

Lâu nay, việc chi tiêu tết như thế nào để không tốn kém luôn là vấn đề khiến không ít người phải đắn đo, suy nghĩ mỗi dịp tết đến, xuân về. Tuy nhiên, nếu có kế hoạch tài chính hợp lý, bạn có thể kiểm soát và quản lý ngân sách hiệu quả, từ đó đón một cái tết trọn vẹn, đủ đầy và không hoang phí.

Xem thêm: