fmarket communityfmarket community

"Tôi mua nhà thành phố nhưng sao vẫn chưa được an cư?"

07/03/2023Lượt xem 52 Views
Chia sẻfacebooklinkedin
https://files.fmarket.vn/pro/blog/resize/mua-nha-nhung-chua-the-an-cu_main.png
Nội dung bài viếtmuc luc
1.

Khủng hoảng nợ…

2.

Vì đâu nên nỗi?

3.

Mua nhà không khó khi có lộ trình rõ ràng 

  • 3. 1.

    1. Đầu tư vào chính mình để tăng thu nhập từ giá trị bản thân

  • 3. 2.

    2. Tiết kiệm nhất có thể và luôn tuân thủ lộ trình

  • 3. 3.

    3. Tìm kiếm các kênh đầu tư khác để tăng thu nhập thụ động

  • 3. 4.

    4. Chỉ vay khi có thể trả

Ông bà ta hay nói “an cư lạc nghiệp”, ngụ ý việc sở hữu một nơi ở ổn định sẽ giúp chúng ta yên tâm để làm ăn, phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên ngày nay, nhiều người mua nhà vẫn chưa thể an cư vì ngôi nhà bỗng trở thành “gánh nặng” mà họ phải đi vay nợ mới có được.

Khủng hoảng nợ…

Năm 28 tuổi, tôi lấy vợ và sắp chào đón đứa con đầu lòng.  Ước mơ xây dựng tổ ấm của riêng mình, có không gian để con cái phát triển khiến tôi quyết định mua một ngôi nhà ở trung tâm TP.HCM, bất chấp khoản vay lên tới 60% giá trị căn nhà. Những tưởng cuộc sống từ đây sẽ trở nên ổn định, vợ chồng có thể an tâm làm ăn; dần dà trả hết nợ thì ngôi nhà sẽ là thành quả của mình. Suy nghĩ này khiến vợ chồng tôi mới đầu cũng phấn khởi lắm, bà con chòm xóm hết lời ngợi khen: “còn trẻ mà nó mua được nhà thành phố rồi”. Với mức lãi suất 6% trong năm đầu tiên, dự trù những năm sau cộng thêm khoảng 2% lãi suất thả nổi  thì thu nhập của hai vợ chồng vẫn đủ khả năng trả nợ 

Tuy nhiên, cuộc sống luôn tiềm ẩn những biến cố bất ngờ, vợ chồng tôi chưa kịp tận hưởng niềm vui sướng mang nghĩa "an cư" thì đã bị chúng “vả những cái tát” liên tiếp. Sau hơn nửa năm mua nhà thì vợ tôi sinh em bé, chi phí gia đình tăng lên đáng kể. Tiền bỉm sữa, vắc xin, đồ dùng cho con… đã ngốn thêm một khoản lớn ngân sách.  Đang bối rối để cân đối chi tiêu gia đình thì lạm phát ập đến. Giữa năm 2022, Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất dao động lên 11%/năm. Hết năm đầu ưu đãi, lãi suất thay đổi cộng với biên độ 2,5% khiến vợ chồng tôi phải “gồng lưng” trả khoản lãi mỗi tháng lên đến 13,5%. Chi phí tăng, lãi suất tăng trong khi thu nhập chẳng bù lại tốc độ trượt giá. Vợ tôi phải nghỉ làm ở nhà trông con. Tất cả chi phí trong gia đình chỉ trông chờ duy nhất từ nguồn lương của tôi.

mua nhà thành phố

Vợ chồng tôi cố gắng thắt chặt mọi hoạt động chi tiêu.

Áp lực nợ lớn khiến vợ chồng tôi phải vay chỗ này đập chỗ kia, cứ “xoay vần” như vậy qua ngày này qua tháng nọ. Cái cảm giác mỗi ngày được thức dậy trong ngôi nhà của mình, đúng ra phải cảm thấy thoải mái và tràn đầy hứng khởi thì tâm trí tôi lúc nào cũng bị” con quái vật” tên NỢ “gặm nhấm” tinh thần. Tới độ trong mọi khoảnh khắc, tôi đều thấy nó chực chờ mà không thể toàn tâm toàn ý làm việc.

“Sắp tới kỳ đóng lãi” chẳng khác nào câu thần chú ám ảnh tâm trí tôi. Tôi khước từ gần hết các mối quan hệ gặp gỡ. Tôi loại bỏ hết các thú vui cá nhân. Tôi lao đầu tăng ca không màng sức khỏe. Tôi còn chẳng có thời gian cho con cái, gia đình. Thậm chí, áp lực khỏan nợ cũng khiến vợ chồng tôi mâu thuẫn, lục đục. Cứ như vậy, đời sống tinh thần lẫn vật chất bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng.

Chỉ sau hơn 1 năm mua nhà, mọi thứ chẳng hề an cư như tôi nghĩ. Nhận thấy tất cả vấn đề nằm ở khoản nợ quá lớn mà tôi đã vay mua nhà, vợ chồng tôi quyết định bán nó để giải quyết. Dẫu không đành lòng nhưng có lẽ đó là cách tốt nhất để đưa gia đình tôi vượt qua cơn khủng hoảng “Nợ nần” này.

Vì đâu nên nỗi?

Có lẽ không phải riêng tôi, mà đại đa số người trẻ vẫn đang phải “vật lộn” mỗi ngày trên hành trình chạm tới ước mơ mua nhà. Giá nhà đất tăng chóng mặt, phân khúc nhà ở bình dân ngày càng trở nên khan hiếm.

Theo một nghiên cứu chỉ ra, người Việt Nam trung bình cần ít nhất 23,5 năm thu nhập để mua được nhà ở, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc. Con số này cũng cao hơn nhiều so với các nước Indonesia (18,5 năm), Singapore (15,5 năm), Ấn Độ (9,2 năm) và Malaysia (8,1 năm)… Trong khi thu nhập của lao động nước ta thấp hơn các quốc gia trên. Dựa theo nghiên cứu này, tính từ khi đi làm có thu nhập vào năm 23 tuổi, sau 23,5 năm thu nhập thì tôi mới có thể mua được căn nhà đầu tiên vào năm tôi 47 tuổi. Lúc đó "mặt trời đã gần xuống núi rồi"....

Quay trở lại câu chuyện gia đình tôi, thật ra vấn đề vay nợ để mua nhà là một cơ hội tốt, nhưng sai lầm nằm ở chỗ chúng tôi đã tính toán tỉ lệ vay không phù hợp, phần là vì quá nôn nóng đưa ra quyết định khi chưa có kế hoạch và lộ trình. Rút kinh nghiệm từ sai lầm trước đó, vợ chồng tôi quyết định lên kế hoạch tài chính cụ thể cho mục tiêu mua nhà của mình.

mua nhà thành phố

Lên kế hoạch tài chính mua nhà giúp tôi nhìn ra lộ trình rõ ràng.

Mua nhà không khó khi có lộ trình rõ ràng 

Trước hết, vợ chồng tôi đánh giá hiện trạng của bản thân như sau:

  • Chúng tôi có khoản tích lũy, nhưng nó còn quá nhỏ để sở hữu một căn nhà thành phố
  • Mức lương của hai vợ chồng chưa cao và rất cần cải thiện
  • Hai vợ chồng vẫn có thể tối ưu một số khoản chi tiêu
  • Cả hai chỉ mới có một nguồn thu từ lương, cần gia tăng thu nhập.

Dựa trên những kết luận này, vợ chồng tôi xác định:

1. Đầu tư vào chính mình để tăng thu nhập từ giá trị bản thân

Vợ chồng tôi còn trẻ, còn nhiều cơ hội để phát triển bản thân và apply vào những công việc có mức lương tốt hơn. Chúng tôi quyết định đầu tư thêm ngoại ngữ và một số kỹ năng chuyên môn. Nhờ đó, tôi không chỉ review được mức lương cao hơn mà còn có nhiều cơ hội làm việc với các dự án bên ngoài. Vợ tôi đầu tư thời gian ở nhà chăm con và học thêm chứng chỉ sư phạm, sau khi bé lớn hơn, ngoài nguồn thu từ công việc chính thì cô ấy có thể tăng thêm thu nhập từ công việc trợ giảng.

2. Tiết kiệm nhất có thể và luôn tuân thủ lộ trình

Sau khi đánh giá lại bảng chi tiêu, chúng tôi nhận ra vẫn có những khoản chi có thể thay thế bằng những giải pháp tiết kiệm hơn. Chẳng hạn, tiết kiệm tiền xăng từ việc đi chung xe vì khoảng cách từ cơ quan vợ tới công ty tôi không quá xa; thay vì mua quá nhiều thảm trải sàn, khăn lau thì vợ tôi tự tái chế lại từ những bộ quần áo cũ; mua một số vật dụng gia đình từ hàng thanh lý mà chất lượng vẫn ổn…

3. Tìm kiếm các kênh đầu tư khác để tăng thu nhập thụ động

Vợ chồng tôi nhận thấy kinh doanh buôn bán hay tham gia các hình thức đầu tư “khó nhằn” như cổ phiếu không phải là sở trường của cả hai. Vì vậy, chúng tôi chọn những kênh an toàn hơn như gửi tiết kiệm và đầu tư quỹ mở để gia tăng thu nhập.

4. Chỉ vay khi có thể trả

Cuối cùng, chúng tôi sẽ chỉ vay khi đảm bảo có thể chi trả tiền gốc và lãi thấp hơn 30% thu nhập. Mặc dù hiện tại vợ chồng tôi vẫn đang ở nhà thuê nhưng có vẻ cuộc sống lại trở nên dễ thở hơn. Bởi với lộ trình trên, vợ chồng tôi cảm thấy tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu mua nhà thành phố trước năm 37 tuổi.  Tôi nghĩ việc đi vay nợ để mua nhà không sai nhưng nếu để nợ nần ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần, thậm chí gây nên những mâu thuẫn trong đời sống gia đình thì thật sự không nên. Vì vậy, hãy xây dựng cho mình một lộ trình cụ thể để biến giấc mơ mua nhà đúng nghĩa an cư và lạc nghiệp các bạn nhé. 

Bài viết được trình bày dưới Góc nhìn và quan điểm cá nhân của tác giả.


icon-message